Bí quyết thành công là dựa vào thế của kẻ mạnh

Friday, 30/08/2013, 11:09 GMT+7

Các doanh nghiệp nước ngoài thường phải thốt lên rằng nhiều doanh nghiệp Việt thiếu minh bạch, phát triển không bài bản bản vì thế rất khó liên kết và tìm được tiếng nói chung. Ông Phạm Đình Đoàn – CEO Tập đoàn Phú Thái cũng thực lòng thừa nhận điều đó khi có cơ hội thường xuyên làm việc với các đối tác nước ngoài và theo ông đây chính là một trong những rào cản lớn đối với doanh nghiệp Việt hiện nay trên con đường hội nhập.

>>CEO Phú Thái: Xây dựng môi trường công ty 3 trong 1

>>Doanh nghiệp Việt "chết" vì đầu tư đa ngành

>>Phạm Đình Đoàn: 'VN cần rất nhiều người tiên phong'

Ông Phạm Đình Đoàn – CEO Tập đoàn Phú Thái

Thưa ông, khó khăn hiện nay của doanh nghiệp Việt khi muốn liên kết với các đối tác nước ngoài là gì?

Muốn hợp tác và phát triển tốt với các đối tác liên doanh liên kết nào đó điều quan trọng nhất là phải trung thực. Đây cũng là điều đầu tiên mà chúng ta phải xây dựng cho bản thân mình và doanh nghiệp mình, hay nói cách khác đó là đạo đức mà người ta vẫn thường ví von “sự giàu có đạo đức sẽ làm cho giàu có về tài sản” đấy là cái quan trọng nhất.

Thứ hai, bản thân mình phải biết nhìn nhận, đánh giá đúng về năng lực của đơn vị mình và không nên tô hồng, không mất thời gian cần thiết để quảng cáo những cái không có thật. Việt Nam có thể không có những thương hiệu nổi tiếng về công nghệ, điện tử nhưng Việt Nam sẽ có thương hiệu lớn trong lĩnh vực như may mặc, nông nghiệp, đồ ăn… những lĩnh vực mà chúng ta đang có thế mạnh. Tính cần cù, chịu khó của người Việt sẽ phù hợp với những lĩnh vực đặc thù, người tiêu dùng Việt Nam thông minh lắm, nên xây dựng thương hiệu gần với lợi thế quốc gia sẽ dễ thành công hơn.

Theo tôi giá trị doanh nghiệp được làm nên bởi giá trị hiện hữu và giá trị tiềm năng, vì vậy các doanh nghiệp Việt đang làm mọi cách để nâng giá trị thương hiệu lên và giá trị đó sẽ được đánh giá cao hơn khi niêm yết trên sàn giao dịch.

Tôi được biết năm 2015, Việt Nam sẽ mở cửa cho các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài vào, đều này chắc chắn sẽ có sự đe dọa đối với các doanh nghiệp trong nước nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu doanh nghiệp Việt xây dựng thương hiệu kém thì việc bị các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm là điều không thể tránh khỏi. Ngay cả Phú Thái hiện nay cũng đang ra sức chuẩn bị chiến lược liên doanh liên kết với các tập đoàn lớn để cùng phát triển.

Nhưng có ý kiến lại nghĩ rằng việc hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài sẽ có mặt không tích cực là khó giữ được thương hiệu Việt?

Khái niệm thế nào là doanh nghiệp Việt Nam? thế nào là sản phẩm nội địa đã không còn rõ ràng nữa. Hiện nay, một sản phẩm nhập khẩu hết từ nước ngoài nhưng đính mỗi tên Việt Nam lên rồi bảo đó là sản phẩm nội địa thì không phải, vì thế theo tôi chuyện bán lại thương hiệu chúng ta cũng không nên nặng nề quá.

Chúng ta cứ xem đây cuộc chạy tiếp sức nếu như doanh nghiệp chạy 1.000 mét mà thấy mệt thì nên bán, nếu chạy được tận 5.000 mét thì đừng nên bán, bởi vì về mặt nguyên tắc thì doanh nghiệp càng ngày càng nâng cao giá trị. Đối với các sản phẩm cũng thế nếu đa dạng hóa trong khi lực ít, khó bền thì doanh nghiệp nên nghĩ đến việc bán lại hoặc liên doanh, liên kết. Bởi vì, cái quan trọng nhất là doanh nghiệp làm ăn hiệu quả phát triển bền vững trên cơ sở dựa vào thế mạnh của những đối tác liên doanh mà vẫn giữ được công ăn việc làm, vẫn tạo ra được nguồn thu và nộp thuế cho Nhà nước. Trong thời gian qua có không ít doanh nghiệp khó khăn, nếu không có doanh nghiệp nước ngoài vào mua có khi Việt Nam phải tìm “bãi tha ma” để chôn các doanh nghiệp.

Ngay cả bản thân Phú Thái làm trong lĩnh vực phân phối cũng phải hiện đại hóa, sử dụng các hệ thống phần mềm chuẩn mực. Các doanh nghiệp cũng nên nghiên cứu qua về phân phối, bởi vì chúng ta có thể không phân phối trực tiếp nhưng phải hiểu ngôn ngữ của nó, làm sao kết hợp được với nhà phân phối đưa sản phẩm ra thị trường một cách nhanh nhất. Đồng thời phải có sự tập trung cao độ khi chúng ta chưa mạnh thì không nên đa dạng hóa và chuẩn bị cho mình các cơ hội liên doanh liên kết với đối tác nước ngoài vì “bí quyết thành công là dựa vào thế kẻ mạnh” tìm những doanh nghiệp mạnh hơn mình để liên doanh liên kết.

Vậy kinh nghiệm của Ông khi liên kết với các đối tác nước ngoài để giảm rủi ro thấp nhất là gì?

Câu chuyên liên doanh liên kết cũng như hôn nhân, cũng phải tìm hiểu kỹ, trải qua nhiều giai đoạn. Nhưng hầu như các mô hình liên doanh liên kết ở Việt Nam đa số là không thành công bởi vì quá dễ dàng về mặt tính toán và pháp lý, gặp nhau 6-7 tháng, thậm chí chỉ cần “chạm cốc” một lần đã liên doanh liên kết rồi.

Để tránh rắc rối trong quá trình liên kết với đối tác lớn thì bản thân mình trước hết phải là doanh nghiệp tốt và cần phải tìm hiểu thậy kỹ đối tác của mình. Ví như các doanh nghiệp Nhật họ thường gặp gỡ rất nhiều lần đối tác để tìm ra những doanh nghiệp có tính cách phù hợp với văn hóa người Nhật. Lúc đó họ mới đi đến quyết định hợp tác.

Chúng ta từng có nhiều bài học như thương hiệu Dạ Lan, nước ngọt Chương Dương và bây giờ là Bibica đang đối diện với nguy cơ bị thâu tóm, bản thân ông Phú Chiến - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bibica cũng từng thừa nhận sai lầm khi hợp tác với Lotte. Còn chuyện Lotte thâu tóm Bibica có lẽ là chuyện sớm hay muộn thôi. Lotte là tập đoàn thực phẩm lớn ở Hàn Quốc với cách quản lý tầm nhìn xa hơn 10 năm, 20 năm, còn chúng ta chỉ nhìn được 3-5 năm vì vậy không thể tránh khỏi xung đột hai bên. Vì thế doanh nghiệp trước khi quyết định liên doanh liên kết cần xem xét mục tiêu có gần nhau không, để tránh những sai lầm đáng tiếc về sau.

 

Gia Bảo


Written : admin


Copyright © 2010 Công ty TNHH Đầu Tư và Thương Mại Việt Vũ