Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2013 lượng sắt thép nhập khẩu đạt khoảng 6,2 triệu tấn, tăng đến 24,7% so cùng kỳ năm 2012, với kim ngạch nhập khẩu gần 4,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 10% so cùng kỳ.
Trong khi đó, lượng sắt thép xuất khẩu từ các doanh nghiệp trong nước 8 tháng đầu năm chỉ đạt gần 1,5 triệu tấn với kim ngạch xấp xỉ 1,2 tỉ đô la Mỹ. Như vậy nhập siêu sắt thép cả nước 8 tháng đầu năm lên đến 3,3 tỉ đô la Mỹ.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng công suất thép xây dựng cả nước tính đến cuối tháng 8-2013 đạt 11,3 triệu tấn. Trong đó, có 2 triệu tấn thuộc các nhà máy thép đang trong giai đoạn xây dựng, 2 triệu tấn của 11 doanh nghiệp thép khác đang hoạt động rất khó khăn, đã ngưng hoạt động hoặc chỉ chạy cầm chừng.
Như vậy, công suất 7,5 triệu tấn của các doanh nghiệp còn lại phải cạnh tranh với nhau khá ác liệt bởi cung vẫn lớn hơn cầu, chưa kể thép giá rẻ nhập khẩu ồ ạt cũng khiến ngành thép trong nước thêm khó khăn.
VSA dự báo tiêu thụ thép xây dựng cả năm 2013 chỉ đạt xấp xỉ 5 triệu tấn, tăng 3- 5% so với năm 2012.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết tại cuộc họp giao ban với lãnh đạo Bộ Công Thương ngày 3-9, hiệp hội thép tiếp tục kiến nghị cần có cơ chế chính sách giúp ngành thép tăng đầu ra vốn đang bị thu hẹp thời gian gần đây.
VSA cũng kiến nghị cần sớm có giải pháp kiểm soát thép chứa hợp kim Bo để lách thuế từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều, chiếm thị phần của các doanh nghiệp thép trong nước. Ngoài ra, VSA kiến nghị trong tình hình khó khăn hiện nay, không nên tăng thuế tài nguyên từ 10% lên 15% sẽ làm đầu vào sản xuất thép như gang, quặng sắt sẽ tăng lên.
Trước những kiến nghị của VSA, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết trong tháng 9 này sẽ ban hành thông tư liên tịch của Bộ Công Thương - Bộ Khoa học và Công nghệ về quản lý các sản phẩm thép nhập khẩu, ông Nghi cho hay.
Trong một văn bản kiến nghị gửi Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cuối tháng 7 vừa qua, VSA cho rằng một số doanh nghiệp Trung Quốc đã pha nguyên tố Bo vào các sản phẩm thép để tận hưởng các ưu đãi thuế nêu trên. Ban đầu các doanh nghiệp thép Trung Quốc chỉ pha nguyên tố Bo vào thép cuộn, sau này họ đã pha nguyên tố Bo vào các sản phẩm thép khác như thép cuộn cán nóng, thép tấm cán nóng và thép hình.
Việt Nam đến nay chưa sản xuất được thép cuộn cán nóng và thép tấm cán nóng nên các sản phẩm thép nhập loại này chưa gây tác động cho thị trường trong nước. Nhưng đối với thép xây dựng thì công suất lắp đặt của ngành thép Việt Nam đã cao gấp đôi nhu cầu nên thép chứa Bo của Trung Quốc ồ ạt xâm nhập vào thị trường Việt Nam đã gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp thép trong nước, đặc biệt trong thời điểm tổng cầu sụt giảm hiện nay.
“Việc nhập khẩu thép hợp kim chứa Bo từ Trung Quốc thực chất là hành động gian lận thương mại, gây tổn thất lớn đến hàng trăm tỉ đồng cho ngân sách nhà nước”, văn bản của VSA nêu.
Nguồn tin: TBKTSG Online