Mượn BO tránh thuế

Thứ hai, 16/09/2013, 14:18 GMT+7

Cập nhập:08/08/2013
 
"BO” là nhãn mác của sản phẩm thép hợp kim chứa nguyên tố BO (với tỷ trọng chỉ có 0.0008%). Là mặt hàng thuộc ngành sản xuất thép nhưng sản phẩm có pha chế nguyên tố BO được hưởng lợi lớn trong hoạt động kinh doanh trên thương trường. Tình trạng mượn BO để tránh thuế gây thiệt hại lớn cho nhà nước có nguyên do từ đó.



Theo quy định hiện hành, sản phẩm thép hợp kim chứa nguyên tố BO được hưởng thuế suất nhập khẩu 0%. Trong khi đó, các loại thép khác (như thép cuộn, thép thanh…) phải gánh chịu thuế nhập khẩu từ 5% - 10%. Về mặt chất lượng cũng như các yếu tố có liên quan, sản phẩm thép BO chẳng có gì trội nổi so với các loại thép khác đang được kinh doanh trên thị trường. Kể cả dự án do nhà nước đầu tư cũng như công trình của tư nhân, tiêu chí lựa chọn sử dụng mặt hàng thép không thuộc về yếu tố BO. Sự khác biệt, nguồn gốc làm phát sinh vấn đề rắc rối gây thiệt hại lớn cho nhà nước là bởi sản phẩm đó có "đèo” thêm chữ BO. Với thuế suất nhập khẩu chỉ có 0% (trong khi các loại khác chịu thuế từ 5% - 10%) thế là sản phẩm thép BO từ Trung Quốc theo chân doanh nghiệp ồ ạt nhập vào thị trường Việt Nam. Năm 2012, các loại thép gắn nhãn mác BO xuất xứ từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam lên đến hơn 1,3 triệu tấn. Trong đó tính riêng các loại thép cuộn, thép thanh, thép hình có gắn BO chiếm hơn 427.000 tấn, tăng hơn 3 lần so với năm trước đó. Mặt hàng này nhập khẩu tăng vọt không vì nhu cầu người tiêu dùng, nguyên nhân hoàn toàn thuộc về sự toan tính "lách luật” để tránh nạp thuế. 

Với hơn 1,3 triệu tấn, nếu áp thuế nhập khẩu mặt hàng thép thông thường từ 5% - 10%, khoản thuế phải nộp sẽ ở mức khủng. Ngược lại cùng khối lượng đó, khi "đèo” thêm chữ BO, thuế suất chỉ là 0%, nhà nước thiệt hại lớn, còn doanh nghiệp nhập khẩu…hốt bạc.

Cuối tháng 7 vừa qua, Hiệp hội Thép Việt Nam có văn bản gửi Chính phủ cùng với Bộ Công thương, trong đó đưa ra kiến nghị sớm thực hiện giải pháp để loại bỏ hiện trạng không bình thường nói trên. Nếu không kịp thời ra tay, thép sản xuất từ Trung Quốc sẽ tiếp tục "đổ bộ” vào Việt Nam vượt xa các năm trước. Các chuyên gia kinh tế đưa ra nhận xét, nếu tình trạng đó còn tái diễn, phía Việt Nam chịu thiệt hại kép (thất thu thuế, sản phẩm nội địa bị thua đậm trên sân nhà). 

Ngành chuyên trách cũng như các chuyên gia kinh tế đưa ra cảnh báo hoàn toàn có căn cứ, bởi từ đầu 2013 đến nay, mặt hàng thép nhập khẩu vẫn trong đà tăng mạnh. Tính đến trung tuần tháng 7, tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng sắt thép lên đến 3,7 tỷ USD, gấp hơn 2 lần tổng giá trị xuất khẩu lúa gạo của cả nước. Cung vượt xa cầu nhưng vẫn nhập khẩu khối lượng lớn, nghịch lý ấy đang trở thành "chuyện thường ngày” của ngành sản xuất thép Việt Nam.

Nguồn tin: Đại đoàn kết

Người viết : admin


Copyright © 2010 Sàn giao dịch thép , phiên bản chạy thử