Năm 2019, ngành sản xuất thép tại Trung Quốc đã ghi nhận sản lượng cao kỷ lục.
Từ sản lượng cao kỷ lục của ngành thép Trung Quốc
Tính đến tháng 12/2019, sản lượng thép cuộn cán nóng (HRC) tại thị trường Trung Quốc vào khoảng 18.4 triệu tấn, trong đó xuất khẩu khoảng 620 nghìn tấn và nhập khẩu khoảng 230 nghìn tấn. Khi sản lượng thép của đạt mức kỷ lục, chính phủ nước này hết sức lo ngại về cuộc khủng hoảng thừa!
Vào tháng 10/2019, mặc dù sản lượng thép của quốc gia này, lần đầu tiên đã giảm sau ba năm rưỡi, nhưng tổng sản lượng thép năm 2019 của Trung Quốc dường như đã đạt mức cao kỷ lục trong mọi thời đại!
Đứng trước tình trạng đó, Chính phủ của ông Tập Cận Bình đã bắt đầu xem xét tình trạng hoạt động của các lò luyện thép cao trên toàn quốc cũng như cân nhắc trước các khoản đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất thép mới trong những nỗ lực nhằm tìm cách ngăn chặn một đợt cung vượt cầu khác.
Vào cuối tháng 11, ba cơ quan chính phủ có chức năng giám sát ngành thép, bao gồm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, đã cùng đưa ra cảnh báo cho các nhà sản xuất thép xung quanh vấn đề"công suất dư thừa", và đây là những dấu hiệu nguy hiểm "không thể bỏ qua".
Uỷ ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã phát đi những thông báo rằng Chính phủ sẽ giám sát hoạt động đầu tư của các nhà sản xuất thép trong ba năm tới, đồng thời tiến hành kiểm tra hoạt động của lò sản xuất cao.
Có một thực tế mang tính chất tỷ lệ nghịch, trong khi sản lượng tăng đột biến thì thu nhập trong ngành thép lại sụt giảm một cách đáng kể.
Lợi nhuận ròng trong 9 tháng đầu năm 2019 của Bao Son Iron & Steel - một đơn vị của Tập đoàn thép Baowu Trung Quốc, nhà sản xuất thép lớn nhất quốc gia, đã giảm 43% so với một năm trước đó, xuống còn 8,8 tỷ nhân dân tệ (1,26 tỷ USD). Lợi nhuận tại hầu hết các nhà sản xuất thép lớn khác cũng giảm nghiêm trọng.
Suy thoái kinh tế của Trung Quốc ngày càng trở nên rõ rệt hơn trong bối cảnh cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ. Điều này đã tác động tiêu cực khiến giá thép tiếp tục sụt giảm một lần nữa, khiến các nhà sản xuất Trung Quốc càng ra sức mở rộng sản xuất để đảm bảo lợi nhuận.
Điều này đã khiến thị trường thép năm 2019 của Trung Quốc - mặc dù khối lượng tăng đột biến nhưng lại mắc trong một vòng luẩn quẩn! Để giải quyết vấn đề tái cơ cấu nhằm giải quyết thực trạng dư thừa trong ngành thép, chính phủ đã đặt ra mục tiêu củng cố ngành công nghiệp này.
Vào tháng 11/2019, Tập đoàn Shougang - nhà sản xuất thép lớn thứ sáu của Trung Quốc, tuyên bố sẽ chuyển 15% cổ phần của công ty sang “ông lớn” Baowu. Động thái này diễn ra sau khi Baowu tiếp quản đối thủ Magang Group - nhà sản xuất lớn thứ chín, vào tháng 9.
Cả Baowu và Shougang đều là doanh nghiệp nhà nước và việc chuyển nhượng cổ phần đã được Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước của Hội đồng Nhà nước - nơi giám sát các chính sách liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước phê duyệt.
Có suy đoán rằng Bắc Kinh đang đặt nền móng cho một vụ sáp nhập giữa hai gã khổng lồ thép. "Không nghi ngờ rằng chính quyền đang cố gắng thúc đẩy hợp nhất hơn nữa của ngành công nghiệp xung quanh Baowu," một Giám đốc điều hành ngành công nghiệp nói.
Đến những tác động tới ngành thép Việt Nam
Cuộc chiến thương mại và sự áp đặt thuế quan của Tổng thống Trump có thể đẩy sản phẩm thép giá rẻ Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam khi nước ta là thị trường tiêu thụ thép lớn nhất Đông Nam Á.
Nhìn chung vào thời điểm hiện tại, Việt Nam đang được hưởng lợi từ cuộc chiến thuế quan, tuy nhiên lại rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi chính nền sản xuất công nghiệp thép nội địa lại chịu ảnh hưởng trên chính sân nhà.
Việt Nam năm 2016 đã vượt qua Thái Lan về nhu cầu sử dụng thép. Năm 2018, nhu cầu thép đã vượt qua 22,3 triệu tấn, tăng 3% so với năm trước. Tính theo đầu người, mỗi người Việt Nam tiêu thụ khoảng 240 kg thép mỗi năm, gấp bốn lần so với Indonesia. Với mô hình thiết kế những ngôi nhà bê tông cốt thép phổ biến ở Việt Nam, nhu cầu sắt thép luôn được chú trọng.
Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn so với các nước láng giềng, với tổng sản phẩm quốc nội duy trì tốc độ hàng năm từ 6% đến 7%. Hoạt động đầu tư vào đường sắt đô thị và cơ sở hạ tầng đang tăng mạnh. Làn sóng đầu tư khiến các công ty nước ngoài tiếp tục mở các cơ sở sản xuất trong nước, dẫn đến việc tiêu thụ nhiều thép hơn.
Việc cung cấp các sản phẩm thép cho ngành sản xuất ô tô cũng dự kiến sẽ tăng. Tập đoàn Vingroup đã bắt đầu bán những chiếc xe được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam và chắc chắn sẽ cần một nguồn thép tương đối lớn để phục vụ cho chiến lược sản xuất và kinh doanh của mình.
Công ty Thép Formosa Hà Tĩnh (FHS) đang là công ty vận hành lò cao tích hợp duy nhất tại Việt Nam, được đưa vào sử dụng từ năm 2017 và hiện có năng suất sản xuất 7,1 triệu tấn thép thô mỗi năm.
Với mục tiêu trở thành nhà sản xuất thép tích hợp lớn nhất Đông Nam Á, FHS đã lên kế hoạch bắt đầu xây dựng một lò cao khác vào năm 2020 để tăng công suất lên hơn 10 triệu tấn trong thời gian tới và 22,5 triệu tấn trong thời gian lâu dài.
Tập đoàn Hòa Phát, một trong những nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam cũng sẽ bắt đầu vận hành lò cao với công suất hằng năm đạt 1 triệu tấn thép thô tại Quảng Ngãi vào đầu quý III năm nay và có thể sẽ tăng công suất gấp 4 lần trong năm 2020.
Việt Nam nhập khẩu hơn 8 triệu tấn thép cuộn cán nóng mỗi năm, 40% trong số đó đến từ Trung Quốc. Với tình hình hiện tại, thép Trung Quốc đang ồ ạt tấn công thị trường Việt Nam, mặc dù sản lượng sản xuất nội địa đang tăng trưởng tốt do không thể cạnh tranh nổi về giá.
Như vậy, Hiệp hội Thép Việt Nam cần có những biện pháp thúc đẩy năng lực sản xuất nội địa để đáp ứng nhu cầu thép trong nước lên mức tối đa, tránh việc lạm dụng vào sản phẩm thép giá rẻ Trung Quốc như hiện nay.