Năm 2019, các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam đã có dấu hiệu hồi phục, dần chiếm lĩnh lại thị trường nội địa và tăng lượng thép thành phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, năm 2020, dự báo thép Việt Nam sẽ phải đối mặt với các vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) cả trong nước và quốc tế.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép trong nước năm 2019 tương đối ổn định về giá và thị trường các sản phẩm. Tăng trưởng sản xuất và bán hàng thép trong 11 tháng đầu năm 2019 lần lượt đạt 4,1% và 6,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu - Phân tích chứng khoán Vietinbank, ngành thép mang tính chu kỳ và có sự phụ thuộc vào thị trường xây dựng và bất động sản. Bên cạnh đó, định hướng của Việt Nam vẫn hướng tới các hoạt động sản xuất công nghiệp, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng còn rất lớn với các đại dự án đang được xem xét triển khai như đường cao tốc, đường sắt Bắc - Nam, các tuyến đường trên cao nội đô, hệ thống tàu điện ngầm… Với mức tương quan đó, ngành thép được dự báo tăng trưởng khoảng 9% trong năm 2020.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, xuất khẩu (XK) sắt thép tính chung 11 tháng đầu năm 2019 đã đạt 6,04 triệu tấn, thu về 3,86 tỷ USD, tăng 4,4% về lượng, nhưng giảm 8,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn là khu vực ASEAN với 63%; tiếp theo là Hoa Kỳ (6,5%); châu Âu (5,6%); Hàn Quốc; Trung Quốc và Nhật Bản.
Nhận định về thị trường thép, VSA cho rằng, áp lực cạnh tranh về giá ngày càng gay gắt ở khu vực Đông Nam Á, khi các nhà máy thép Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi thị trường xuất khẩu. Để giữ được thị trường, doanh nghiệp ngành thép chấp nhận câu chuyện giảm bớt biên lợi nhuận. Đó cũng chính là lý do dù số lượng XK thép tăng nhưng doanh thu lại sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.
Trước bối cảnh bị thu hẹp thị trường, trong khi đó giá nguyên liệu - thép cuộn cán nóng (HRC) liên tục đi xuống khiến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp điêu đứng. Mặt khác, để tiếp tục tăng lượng hàng xuất khẩu sang thị trường như Hoa Kỳ, doanh nghiệp lại phải nhập HRC từ Ấn Ðộ hoặc mua của nhà sản xuất trong nước là Formosa Hà Tĩnh. Tuy nhiên, chỉ những doanh nghiệp lớn như Thép Hòa Phát mới có thể duy trì mua hàng của Formosa Hà Tĩnh thường xuyên, các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa gặp khó khăn không ít.
Nhận định về tình hình các doanh nghiệp thép, Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - cho rằng, ngành thép hiện tồn đọng nhiều vấn đề, trước hết là độ chênh giữa nhu cầu nội địa và khả năng sản xuất. Bên cạnh đó, thách thức từ cạnh tranh khi liên tiếp các nước sử dụng biện pháp PVTM để bảo vệ nền sản xuất nội địa…
Để có thể đảm bảo tăng trưởng và giữ vững thị phần trong nước, doanh nghiệp thép rất cần nhà nước tăng cường bảo vệ sản xuất trong nước bằng các công cụ PVTM hiệu quả. Cùng với đó, doanh nghiệp ngành thép cũng cần chủ động tiếp cận, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh rủi ro. Đặc biệt là việc tuân thủ luật thương mại, pháp luật cạnh tranh quốc tế để tránh những vụ điều tra, kiện phá giá.
Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép Việt Nam cần nghiên cứu, đề ra chiến lược kinh doanh phù hợp, đặc biệt là chuyển sang sử dụng nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc các nguồn khác để tránh các vụ điều tra chống phá giá. |
Theo Tùng Dương - PetroTimes