|   

Trả ơn đời

Friday, 30/08/2013, 11:00 GMT+7

 

Phong cách đậm chất nông dân, cách nói chuyện mộc mạc, chân chất, vậy mà đã từng đĩnh đạc đứng trên diễn đàn khoa học, trước hàng trăm giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học trong và ngoài nước để trình bày đề tài nghiên cứu cây hoàn ngọc - một dược liệu quý có khả năng trị viêm gan, tiểu đường, điều chỉnh huyết áp... do chính mình tìm tòi, thử nghiệm. Bà là Bùi Kim Nga, Giám đốc Trà Hoàn Ngọc Bảy Nga Tây Ninh, người được bà con yêu mến gọi là "Bà Bảy từ thiện", hai lần được Nhà nước cấp kinh phí thực hiện dự án nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, được chọn là Gương thi đua yêu nước của tỉnh Tây Ninh, cùng nhiều giải thưởng uy tín. Nhưng với bà, giải thưởng cao quý nhất là sản phẩm trà hoàn ngọc đã giúp ích cho đời.

Ảnh: Quý Hòa
Không phải nghề cha truyền con nối, không học dược sĩ nhưng lại dành hết tâm huyết để nghiên cứu cây dược liệu quý hoàn ngọc, bà Nga giải thích niềm đam mê của mình bằng một chuyện xảy ra cách đây 20 năm: Khi ấy bệnh ung thư đại tràng của cha tôi đã di căn lên phổi, gan, bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương lắc đầu trả về.

 

Nhìn thấy cha trong tình trạng nguy kịch, vô cùng đau đớn và dần kiệt sức, tôi không thể ngồi yên. Đi khắp nơi tìm thầy và thành tâm cầu nguyện mong tìm được thuốc chữa bệnh cho cha.

Đến lúc gần như tuyệt vọng thì có người cho biết cây hoàn ngọc có khả năng chữa bệnh của cha. Lặn lội tìm kiếm khắp nơi, từ miền Bắc đến miền Trung nhưng không có kết quả, rồi may mắn hai tháng sau có người mang hoàn ngọc đến bán.

Sau ba ngày uống thuốc sắc từ cây hoàn ngọc, cha tôi qua được cơn bệnh hiểm nghèo, bắt đầu mở mắt nói chuyện, sức khỏe dần hồi phục.

Tôi vô cùng mừng rỡ và nảy sinh ý định phổ biến cây thuốc này để giúp người khác chữa bệnh. Vì vậy, tôi đã cần mẫn trồng hoàn ngọc trong suốt ba năm, sau đó chế biến thành trà uống và mở những điểm uống trà miễn phí.

Không ngờ, sau khi uống trà hoàn ngọc, nhiều người đến gặp tôi vui mừng chia sẻ khỏi bệnh. Lúc đó tôi cũng chưa có cơ sở để tin vào khả năng chữa bệnh của cây hoàn ngọc và cũng chưa đam mê nghiên cứu.

Nhưng khi thấy quá nhiều người nghèo không có tiền chữa bệnh, chỉ nhờ dùng trà mà hết bệnh, tôi bắt đầu tổng hợp kết quả và tìm đến Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam xin được nghiên cứu để giải thích chính xác bằng khoa học. Nếu cây hoàn ngọc thật sự là dược liệu quý, tôi sẽ có cơ sở đầu tư nghiên cứu và mở rộng diện tích trồng.

* Nhưng làm công việc vốn không thuộc chuyên môn của mình, bà có lường hết những va vấp, thậm chí thất bại không, thưa bà?

- Do trình độ, kiến thức của mình có giới hạn, lại không phải là nhà khoa học nên muốn nghiên cứu, dĩ nhiên sẽ gặp khó khăn, nhưng tôi tự nhủ: Nếu chăm chỉ học hành, chịu khó tìm tòi, học hỏi từ những sai sót của người khác thì cũng sẽ có ngày về đến đích.

* Nhưng nghe nói lúc đầu dự án của bà không được quan tâm, vậy tại sao bà vẫn đeo đuổi việc nghiên cứu?

- Đúng là ban đầu không có mấy nhà khoa học nhiệt tình quan tâm vì trước đó cũng đã có một vài người đề cập đến công dụng của các cây dược liệu nhưng rồi bỏ lửng, bởi đa phần họ chỉ nghe nói một số cây dược liệu có công dụng hay lắm nhưng lại không chịu bỏ công sức, tiền bạc để nghiên cứu, đầu tư, nhất là tìm ra độc tố của cây để đảm bảo an toàn cho người dùng.

Nhưng tôi thì khác, thấy được hiệu quả thực tế và trên hết là có tâm nguyện muốn nhân rộng cây quý phục vụ cộng đồng nên đã kiên trì theo đuổi, tìm cách chăm sóc, nuôi dưỡng làm sao cho cây khỏe, tăng trưởng tốt và mở rộng vườn giống.

Khi thấy tôi quyết tâm và đưa ra quá nhiều bằng chứng thuyết phục, các nhà khoa học mới bắt đầu quan tâm, động viên tôi đầu tư trồng thử nghiệm.

* Hành trình để giá trị của cây hoàn ngọc được công nhận cũng khá gian nan, nhưng cuối cùng đã được bù đắp, bà rút ra điều gì từ thành công này?

- Làm gì cũng phải kiên nhẫn và khi có tâm huyết, tấm lòng thì bất cứ trở ngại nào cũng có thể vượt qua và không làm mình lùi bước.

Tôi đem cây hoàn ngọc làm thử nghiệm độc tố trình diễn trước Hội đồng Khoa học Nhà nước, tức cho chuột ăn một thời gian rồi mổ lá lách, xem xét tế bào, nếu con chuột đó có vấn đề thì ngay lập tức Nhà nước sẽ không cho mình đầu tư, phát triển. Bản thân tôi còn mong thử nghiệm thật kỹ để đạt độ chính xác cao nhất.

Sau thử nghiệm độc tố, thật bất ngờ, các nhà khoa học đã phát hiện rễ cây hoàn ngọc có rất nhiều dược chất chữa bệnh nên năm 2010, Bộ Công Thương và Chính phủ đã xem xét và quyết định đầu tư cho tôi 880 triệu đồng để tiếp tục nghiên cứu.

Sau hai năm, Nhà nước nghiệm thu và đánh giá cao đề tài về độ tinh khiết, hàm lượng thì có rất nhiều chất quý. Và năm 2012, Nhà nước lại cấp cho tôi 2,8 tỷ đồng theo vốn đối ứng (tôi bảy, Nhà nước ba) để nghiên cứu đề án cấp nhà nước "Tạo chế phẩm phòng chống khối u từ cây hoàn ngọc" và giao cho tôi làm chủ nhiệm đề án.

Khi thấy tôi nhận kinh phí của Nhà nước, nhiều người lo áp lực trách nhiệm đối với tôi sẽ nhiều hơn, tôi khẳng định: "Không phải vì Nhà nước tài trợ kinh phí tôi mới nỗ lực, mà đó là sự khích lệ làm tôi thấy ấm lòng và yên tâm nghiên cứu. Bởi nếu Nhà nước không tài trợ, tôi cũng vẫn làm".

* Nhiều tài liệu khoa học trước đó đã chứng minh lá cây hoàn ngọc có khả năng kháng nấm phổ rộng, chống viêm nhiễm do những vi khuẩn thông thường, sao bà không tận dụng kết quả nghiên cứu này để tạo ra sản phẩm mà lại mất thời gian tìm tòi, thử nghiệm rễ cây?

- Đã có tài liệu chứng minh khả năng chữa bệnh của lá cây hoàn ngọc nhưng thực tế chưa có thử nghiệm nào công bố chính xác. Hơn nữa, đã có nghiên cứu giá trị của lá thì tôi phải tìm thêm giá trị ở các bộ phận khác của cây để sử dụng cho hết.

Thật ra, tôi chỉ nghĩ đơn giản ở một cái cây thì bộ rễ bao giờ cũng chứa nhiều chất tinh túy hơn nên tôi lấy dùng thử trong gia đình, thấy nó cũng thơm, vị ngọt thanh như cây sâm nên tôi cho là dùng được và tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm.

Kết quả đúng là rễ cây có rất nhiều dược chất quý vượt trội hơn các bộ phận khác. Lúc đầu, tôi dự định làm cao từ cây hoàn ngọc, nhưng sau khi nghiên cứu thấy cây thuộc loại thân nước, dễ bị mất lượng dược chất quý nếu nấu ở nhiệt độ cao nên tìm cách khắc phục bằng cách chế biến làm trà uống.

* Bà có dự định nhân rộng hoàn ngọc cho bà con nông dân cùng trồng không?

- Đó là hướng sắp tới khi tôi hoàn chỉnh giống, bởi đây là giống cây mới nên có thể bị sâu bệnh, nấm... Hơn nữa, không phải bằng gieo hạt, mà phải trồng từng cây, quá trình chăm sóc cực lắm, vì cây kén đất, nắng, mưa đều không chịu, tưới nhiều nước quá cũng chết, còn nếu bỏ bê, không chăm sóc tốt thì sẽ không có hàm lượng cao các chất chữa bệnh.

Vì vậy tôi phải nghiên cứu từng chút, từ đất trồng, cách chăm sóc cây theo từng độ tuổi một năm, hai năm, sau đó tiếp tục nghiên cứu xem vụ nào thu hoạch thì có hàm lượng dược chất cao, dùng loại phân nào để bón, từng cụm, từng cây phải ghi chú, làm dấu, ghi sổ để theo dõi, rồi chọn cây tốt, khỏe để nhân giống.

Tôi còn ra Viện Nông hóa mua công nghệ làm phân vi sinh, không bón phân hóa học để đảm bảo cây không độc cho người dùng. Với những khó khăn đó, nếu bày cho nông dân trồng sớm quá, cây giống của mình chưa thuần, chưa thật tốt, họ sẽ nản, không thích trồng nữa thì mình cũng sẽ không thành công.

* Vậy thì chắc phải rất vất vả và tiêu hao nhiều công sức bà mới gầy dựng được 20ha vườn trồng hoàn ngọc như hiện nay...

- Đúng vậy, nhưng tôi cảm thấy rất vui vì đam mê. Sáng sớm mở mắt ra là chạy ngay ra vườn, không biết đói, đến chừng ai đưa cho ca nước uống một hơi mới biết mình đang khát nước.

Ban ngày ở suốt ngoài vườn, ban đêm thì chong đèn tìm tòi tài liệu, nghiên cứu để tập hợp những gì tốt nhất để có thể, giảm bớt vấp váp, thất bại. Nhiều lúc nghĩ mình cũng may mắn và có cơ duyên với hoàn ngọc.

* Xin hỏi thật, tại sao bà được đi học đến nơi đến chốn, hiểu biết rộng, kinh doanh giỏi nhưng vẫn quay về gắn bó với nghề nông, ruộng vườn?

- Tôi nghĩ, làm nông cũng là một nghề, cũng có thể kinh doanh và tạo ra giá trị lớn cho xã hội nên đã dốc hết những gì mình có để tập trung cho cây trồng, và may mắn chính cha lại là người ủng hộ, phụ giúp tôi rất nhiều.

Khi tôi đầu tư trồng và nghiên cứu cây hoàn ngọc, cha đã giúp tôi một số tiền lớn vì trong 9 đứa con, tôi là đứa giống cha nhiều nhất, đặc biệt là thích làm từ thiện, cho đi mà không bao giờ tính toán thiệt hơn. Tôi cũng rất tự hào về cha và lấy cha làm tấm gương để hoàn thiện mình trong cách sống.

Cha tôi tuy không giàu có, chỉ là một nông dân lam lũ với đồng ruộng, vườn tược nhưng đã nuôi 9 đứa con học hành đến nơi đến chốn, lại còn thường xuyên làm việc thiện, làm cầu, đắp lộ cho bà con đi, dốc hết tiền mua đất, mua nhà cho người gặp khó khăn về ở mà không đặt ra điều kiện gì. Tôi giống cha ở điểm những gì làm được là làm hết mình, không nề hà, không sợ cực khổ.

* Theo bà chia sẻ, vốn đầu tư cho đề tài nghiên cứu chiết xuất viên nang hoàn ngọc rất lớn, nhưng bà lại không muốn kêu gọi hợp tác, góp vốn, vậy trong quá trình làm nếu bị thiếu vốn, bà sẽ xoay xở ra sao?

- Để có vốn đầu tư, tôi phải lấy ngắn nuôi dài và làm rất nhiều việc, từ trồng chôm chôm, nhãn đến cây khoai mì, cà phê, bạch đàn, điều..., kể cả chăn nuôi để lấy tiền đắp vào dự án này và tiếp tục làm từ thiện.

* Quy luật của thị trường là khó tránh khỏi cạnh tranh, bà có lo sản phẩm của mình sẽ bị "bắt chước" không?

- Tôi thích làm gì cũng phải có hội có thuyền, và khi mình làm tốt thì cũng muốn có chị, có em, kéo nhiều người cùng làm để xã hội có nhiều sản phẩm tốt, giá thành cũng phải thật rẻ để giúp ích cho mọi người.

Và những gì tôi có cũng là của xã hội. Tuy nhiên, điều tôi ngại nhất là những người không có tâm sẽ làm chùn bước đi của mình, ví dụ mình đang xây dựng thanh danh cho cây hoàn ngọc mà họ lại làm sản phẩm "nhái" không phải từ cây hoàn ngọc, người dùng không thấy hiệu quả thì thật tội nghiệp cho cây!

* Thực tế đã có trường hợp nào như vậy chưa, thưa bà?

- Có nhiều rồi. Vì hiện nay do cây này còn mới quá, chưa có phương pháp thử để xác định định tính nên ai cũng có thể nói cây của mình là hoàn ngọc, sản phẩm của mình làm từ hoàn ngọc, nhưng thực tế họ không trồng và cũng không có nơi nào bán cây này.

Trước đây, ông Trần Công Khánh, người có công trình nghiên cứu cây hoàn ngọc đầu tiên, cũng đã mấy lần lên tiếng về sự ngộ nhận cây giống rau răm là hoàn ngọc. Khi đến thăm vườn của tôi, ông công nhận cây trồng ở đây mới đúng là hoàn ngọc.

Song, hiện nay, lỗ hổng quản lý của ngành này còn nhiều lắm. Cũng có người hỏi tôi sao không đấu tranh giành lại thương hiệu, nhưng theo tôi, "Cái kim trong bọc lâu ngày cũng sẽ lòi ra", mình cứ cố gắng làm tốt, làm bằng cái tâm thì không cần phải giành giật với ai hết.

 

* Nhưng kinh doanh là phải tính đến lợi nhuận. Bà lý giải thế nào khi có người cho rằng, nói gì thì nói, trà hoàn ngọc khi bán ra thị trường cũng không ngoài mục đích kinh doanh?

 

- Ở các sản phẩm cây trồng, vật nuôi, tôi kinh doanh rất sòng phẳng. Ví dụ tôi bán mì, lúa theo giá thị trường, kể cả kinh doanh đất, người ta bán, tôi mua để trồng mì, trồng lúa, chăn nuôi, vừa giúp người khó khăn có công ăn việc làm, mình cũng có lợi nhuận và lấy lợi nhuận đó để bỏ vào việc sản xuất trà hoàn ngọc.

Riêng việc bán trà hoàn ngọc, tuy vẫn là kinh doanh, nhưng mức lợi nhuận tôi đặt ra rất thấp. Thậm chí khi đầu tư xây xưởng, tôi đã phải bán bớt một số tài sản chứ chưa lấy lợi nhuận của việc bán trà hoàn ngọc để đầu tư ngược lại.

* Nhà nước đang giao cho bà nghiên cứu chế phẩm viên nang thực phẩm chức năng với thành phần là tinh chất của cây hoàn ngọc, để công việc hoàn thành, bà gặp khó khăn gì và muốn kiến nghị điều gì?

- Cái khó nhất là đất trồng. Một mẫu đất ở Tây Ninh hiện nay có giá khoảng 500 triệu đồng, nên chúng tôi mong muốn Nhà nước cho mướn khoảng 50 mẫu đất để ươm giống vì hiện nay cả nước chưa có vườn hoàn ngọc nào lớn đến 5, 7 mẫu.

Trong khi để làm ra viên nang tinh chất thì cần rất nhiều nguyên liệu, nên chúng tôi cũng cần diện tích đất trồng và kho rất lớn.

* Cho phép tò mò một chút, có vẻ bà rất hạnh phúc vì không chỉ đồng hành trong công việc, mà đi đâu vợ chồng bà cũng có đôi, kể cả buổi hẹn trò chuyện hôm nay?

- Quả thật tôi là người phụ nữ hạnh phúc vì cả gia đình gồm hai con, dâu, rể và ông xã đều rất yêu nghề nông và có thuận duyên là rất thích làm từ thiện.

Đặc biệt, ai cũng hết lòng hỗ trợ để đề án tôi thực hiện thành công và thay phiên nhau làm "tài xế” cho tôi, bởi ngoài công việc hằng ngày phải đi đến từng vườn cây nằm cách nhau khá xa, tôi còn là Thường vụ Ban chấp hành Hội Bảo trợ người nghèo tỉnh Tây Ninh, tham gia Hội Chất độc da cam, Hội Chữ thập đỏ của tỉnh... nên đi lại rất nhiều.

* Còn việc tài trợ và tổ chức chương trình "Đồng hành cùng người nghèo mang bệnh hiểm nghèo", bà đã làm được gì rồi, thưa bà?

- Tôi vẫn duy trì chương trình và hằng tháng vẫn đều đặn tặng tiền cho họ chữa bệnh, cung cấp trà cho họ uống. Bây giờ đi đến đâu tôi cũng nhận được rất nhiều quà nên lại trở thành "con nợ" của nhiều người (cười).

* Sau khi đề án thứ hai được nghiệm thu, kế hoạch sắp tới của bà là gì, bà có tính đến chuyện xuất khẩu không?

- Ao ước của tôi là sản phẩm làm ra trước hết để giúp người Việt Nam bớt bệnh ung thư và tiểu đường, bớt đi mầm mống bệnh tật, nâng cao tuổi thọ. Sau đó sản phẩm có ra nước ngoài thì phải có tiếng tốt thật sự để người Việt Nam không bị thế giới coi thường.

Ví dụ, khi tôi báo cáo xong đề tài khoa học, vừa bước xuống từ khán đài, nhiều nhà khoa học đã đến nắm chặt tay tôi và giữ mãi không muốn buông ra, khiến tôi thấy tự hào lắm.

Hoặc khi đề tài của tôi được đăng trên một tờ báo nổi tiếng của thế giới, rất nhiều nước nể phục vì thấy người Việt Nam cũng góp phần vào nghiên cứu khoa học, họ gửi email, điện thoại mời tôi hợp tác kinh doanh, tham dự hội nghị và các dự án quốc tế, hỏi tôi muốn dự án phát triển ra sao, có muốn hợp tác với họ không...

* Vậy ý bà thế nào?

- Hiện tại thì chưa được, vì giai đoạn này tôi phải làm tròn vai trò một người con của đất Việt, khi có món ngon phải dâng lên cha mẹ mình dùng trước, cũng là để đền đáp những người đã ủng hộ, giúp đỡ mình làm ra sản phẩm.

Hơn nữa, nếu gật đầu hợp tác thì tôi giàu liền, nhưng nếu họ mua rồi, bán giá trên trời thì dân mình đâu có điều kiện để dùng.

* Xin hỏi nhỏ, tên doanh nghiệp của bà dài quá, bà có ý định đổi tên khác cho ngắn gọn và dễ nhớ hơn không?

- Tôi hay nói vui, thương hiệu của tôi là "thương hiệu từ trên ghế đá”, ấy là do người ta uống trà, hết bệnh rồi ghi trên ghế đá: "Cám ơn Trà hoàn ngọc Bảy Nga Tây Ninh", nghe cũng dễ thương nên tôi lấy làm tên doanh nghiệp và chưa bao giờ có ý định thay đổi vì đó là tấm lòng mọi người yêu quý đặt cho tôi.

Hơn nữa, nhiều năm qua tôi cũng gắn bó với cái tên này rồi nên rất yêu quý nó, bản thân tên gọi này cũng mộc mạc, chất phác như chính con người của tôi vậy.

* Xin cảm ơn bà về những chia sẻ rất giản dị, đầy nhiệt tâm của bà.

 

LỮ Ý NHI

Written : admin

 

Search date :       

dathongbao
Giấy phép kinh doanh số : 0311224757 cấp ngày : 11/10/2011 bởi Sở Kế Hoạch và Đầu Tư TP.Hồ Chí Minh
Người đại diện : Ông Vũ Văn Hùng
Công ty TNHH Đầu tư và thương mại Việt Vũ
Địa chỉ : 49 Lê Trung Nghĩa, P. 12, Q. Tân Bình, Tp. HCM
Điện thoại : 0923215555
Email : info@satthepvietnam.com.vn
Website : www.satthepvietnam.com.vn