Bộ trưởng tài chính 20 quốc gia phát triển bậc nhất thế giới đã đồng ý hợp tác không để xảy ra một cuộc chiến tiền tệ, vốn đang âm ỉ trong thời gian qua vì nếu điều đó thành hiện thực thì khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ trở lại và không biết khi nào kết thúc.
Bộ trưởng tài chính của nhóm 20 quốc gia phát triển kinh tế nhất thế giới thống nhất cùng hợp tác làm việc để tránh một cuộc chiến tranh tiền tệ có thể xảy ra trong thời gian tới. Đó là cuộc chiến về chính sách tiền tệ, tỷ giá tiền tệ được đề cập nhiều trong thời gian gần đây.
Mặc dù còn một số bất đồng nhưng bộ trưởng tài chính 20 quốc gia phát triển nhất thế giới họp tại Gyeongju, Hàn Quốc đã thống nhất cao trong tuyên bố chung kết thúc hội nghị hôm 23/10/2010 là cần phải cùng hành động hướng tới một hệ thống tỷ giá hối đoái tiền tệ do thị trường quyết định và phản ánh đúng các giá trị cơ bản của thị trường, đồng thời chặn đứng xu hướng cạnh tranh giữa các nước trong việc làm giảm giá trị đồng tiền của mình.
Một trong các hành động cụ thể thực hiện chính sách trên là G20 cố gắng đặt ra các mục tiêu cụ thể trong việc nhấn mạnh những yếu tố ẩn sau tỷ giá hối đoái tiền tệ. Hàn Quốc và Mỹ đã thúc đẩy G20 hướng tới phấn đấu đạt mục tiêu tỷ lệ thặng dư hay thâm hụt tài chính cần duy trì trong mức 4% tổng sản phẩm nội địa. G20 cũng cam kết cùng nhau không khuyến khích gây ra hoặc sắp đặt việc làm cho đồng tiền của một quốc gia yếu đi nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Việc này được xem như động thái kiên quyết của Mỹ nhắm vào Trung Quốc xung quanh việc Mỹ phản đối từ lâu việc Nhân dân tệ được định giá thấp hơn giá trị thực tế.
Dù G20 không đi đến một thỏa thuận, hiệp ước về mục tiêu tài chính cụ thể nhưng đều nhất trí Quỹ tiền tệ quốc tế sẽ thực hiện vai trò giám sát triệt để hơn nhằm đảm bảo các quốc gia bị mất cân bằng tài chính dai dẳng sẽ được xem xét thường xuyên. Việc này sẽ mang tới sự khó chịu nhưng đổi lại đó là một thước đo hữu hiệu để quốc gia đó biết đang trong tình trạng thâm hụt hay thặng dư tài chính. Các bộ trưởng tài chính G20 tỏ ra lạc quan về các kết quả bước đầu đạt được này và coi đó là cơ sở quan trọng để họ tiếp tục bàn thảo đi đến thống nhất cuối cùng giải quyết sự mất cân bằng tài chính của từng nước, cũng như cần đưa ra các hướng dẫn về cân bằng tài chính. Đây được coi là bước đột phá trong giải quyết sự mất cân bằng tài chính, thương mại toàn cầu – sẽ cố gắng được các nước nhất trí, thông qua để trình lên bàn nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G20 vào 11/11/2010 tại Seoul, Hàn Quốc.
Tất nhiên, các cam kết về phòng tránh cuộc chiến tiền tệ của các bộ trưởng tài chính G20 mới là sự thống nhất chung, chưa có chương trình thực hiện chi tiết hướng đến mục tiêu cụ thể trong việc kiềm chế sự mất cân bằng tài chính hiện nay trên phạm vi toàn thế giới. Ngoài ra, mục tiêu duy trì 4% thặng dư hoặc thâm hụt tài chính cũng bị một số nước như Trung Quốc, Đức, Nhật Bản và Brazil quan ngại.